Trong 7 năm, có hơn 1,2 triệu đơn thư khiếu nại, tố cáo, trong đó liên quan đến đất đai chiếm gần 70% với tỷ lệ đúng cao. Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu khi xảy ra vi phạm.
Sáng nay, Quốc hội nghe báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân với các quyết định hành chính về đất đai. Theo Thanh tra Chính phủ từ 2003 đến 2010, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp nhận và xử lý trên 1,2 triệu đơn thư khiếu nại, tố cáo trong đó số liên quan đến đất đai chiếm gần 70%. Số vụ khiếu nại đúng chiếm xấp xỉ 20%, có đúng có sai chiếm 28%; số vụ tố cáo đúng chiếm 16,2%, có đúng có sai chiếm 29,6%.
"Qua đó có thể thấy việc khiếu nại, tố cáo của công dân là có cơ sở, việc ra quyết định hành chính về đất đai của các cấp chính quyền còn nhiều thiếu sót", ông Giàu nói và cho rằng, nguyên nhân đầu tiên của thực trạng này là sự bất cập của hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai ở nhiều mặt như văn bản luật thay đổi nhiều, không sát thực tế. Chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giá đất có sự chênh lệch lớn giữa giá nhà nước bồi thường và giá do nhà đầu tư thỏa thuận với dân... Các quyết định hành chính được ban hành còn nhiều hạn chế, sai sót.
"Ngoài ra, còn có sự yếu kém trong công tác tổ chức thi hành pháp luật về đất đai; sự thiếu gương mẫu, sa sút về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhìn nhận.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu. Ảnh: TTXVN
Trong quản lý đất đai, nội dung khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định hành chính chủ yếu tập trung ở 3 nội dung, gồm khiếu nại các quyết định hành chính về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chiếm 70%; khiếu nại các quyết định hành chính về giao đất, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chiếm 20%; khiếu nại các quyết định hành chính về cấp, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chiếm 10%. Từ 2005 đến tháng 6/2009, cả nước có hơn 3.800 đoàn khiếu nại, tố cáo đông người. Năm 2010 có trên 3.200 đoàn, năm 2011 có gần 4.200 đoàn. Trên 70% số vụ là khiếu nại, còn lại là tố cáo hoặc vừa khiếu nại, vừa tố cáo.
Hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều xảy ra các vụ khiếu nại, tố cáo đông người, trong đó có một số vụ đông người nhiều lần kéo đến Trụ sở tiếp công dân, các cơ quan ở Trung ương với thái độ rất gay gắt. Các đoàn khiếu nại, tố cáo đông người ngày càng tăng về số lượng. Đây là vấn đề phức tạp nếu không được giải quyết tốt sẽ ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Trước những con số được nêu trong báo cáo giám sát, đại biểu Hồ Thị Thủy khẳng định, để dẫn đến thực trạng này có nguyên nhân là "thái độ vô cảm, bàng quan với bức xúc của dân" của cán bộ hoặc "cố tình bao che vì lợi ích dòng họ, lợi ích nhóm"; việc bồi thường còn để xảy ra sai sót, thiếu công khai, minh bạch; cán bộ cố tình làm sai để sách nhiễu.... "Một số người lợi dụng chính sách của nhà nước để bao chiếm đất, kiếm lợi bất chính. Các vấn đề xã hội nảy sinh sau thu hồi đất chưa được chú ý", bà Thủy nói.
Để giải quyết, theo bà khi sửa luật đất đai cần thống nhất quy định thu hồi phải do nhà nước thực hiện, kết hợp với các chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ tái định cư.... "Cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu xảy ra vi phạm, tăng đối thoại với dân, tăng hòa giải cơ sở", nữ đại biểu này nêu giải pháp.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé. Ảnh: TTXVN.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nhấn mạnh đến sự bất cập trong việc ban hành văn bản pháp luật. Nữ đại biểu này dùng từ "ma trận" trong các văn bản hướng dẫn thi hành khiến đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai nhiều.
"Tôi kiến nghị sớm ban hành luật đất đai sửa đổi, trong đó, những vấn đề cụ thể phải ghi rõ trong luật để hạn chế sự quá tải văn bản dưới luật", bà Kim Bé nói.
Dẫn lại việc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thu hồi lại đất một số dự án chậm triển khai để trả lại cho dân là "đúng, hợp lòng dân", đại biểu này cho rằng, Nhà nước cần quan tâm tới khiếu nại chính đáng của người dân dân vì chỉ khi người dân yên tâm thì đất nước mới phát triển được.
* Tiếp tục cập nhật
Liên quan tới 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, tính đến 15/10/2012, các Bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra, rà soát được 486/528 vụ (đạt 92%), với kết quả cụ thể như sau: số vụ thống nhất với địa phương dự kiến chấm dứt khiếu nại hoặc chấm dứt thụ lý, giải quyết là 282 vụ việc (chiếm 58%); số vụ yêu cầu địa phương giải quyết, giải quyết lại hoặc xem xét hỗ trợ cho người dân là 131 vụ việc (chiếm 27%); số vụ việc thống nhất xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ là 41 vụ việc (chiếm 8,4%); số vụ việc các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đang phối hợp giải quyết là 32 vụ việc (chiếm 6,6%).
Nguyễn Hưng
Theo VNExpress |